Sáng ngày 12/9, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển. Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, đại diện các đơn vị thuộc Bộ và một số tổ chức pháp chế khác.

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện pháp điển, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL nhấn mạnh, đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 267/271 đề mục, đạt tỷ lệ hơn 98,5% khối lượng Bộ pháp điển. Các đề mục còn lại đang được các bộ, ngành quyết tâm thực hiện. Về cơ bản, Bộ pháp điển đã “về đích sớm” hơn 01 năm so với thời hạn tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện một số bất cập, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển như: kỹ thuật pháp điển chưa được sắp xếp khoa học, hợp lý; công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển chưa phát huy tính hiệu quả, chất lượng;… Vì vậy, đồng chí hy vọng, các đại biểu sẽ tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến chuyên sâu và đưa ra những giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế của Bộ pháp điển hiện nay và phát huy tính hữu ích, tiện lợi của Bộ pháp điển mang lại.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã trình bày những nội dung cơ bản Dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”, trong đó tập trung vào 05 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án, gồm: Rà soát, hoàn thiện Bộ pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn, thuận lợi trong tra cứu; Tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; Tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.

Đại diện Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho rằng một số đề mục vẫn còn đang khuyết và thiếu các nội dung trong các đề mục đã có; do đó, đồng chí đề nghị điều chỉnh quy định “100% công chức các bộ ngành và địa phương được phổ biến, giới thiệu, tiếp cận và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” thành “100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các bộ ngành và địa phương được phổ biến, giới thiệu, tiếp cận và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”.

Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp một số ý kiến về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, duy trì và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; nghiên cứu kỹ thuật pháp điển để sắp xếp hợp lý, khoa học hệ thống quy phạm pháp luật, tạo thuận lợi trong tra cứu;….

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *