Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ, sáng 18/7/2023, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tham vấn dự thảo Báo cáo đề xuất hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật”.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), UNDP đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện Sở Tư pháp của một số địa phương, các chuyên gia và các cơ quan báo chí, tổ chức khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Thanh Sơn và bà Đào Thị Thu An nhấn mạnh việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra của Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 – 2022 và góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025-2030” mà Nghị quyết số 77-NQ/CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW giao cho Bộ Tư pháp.

Trình bày Dự thảo báo cáo đề xuất hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật, TS. Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, đại diện nhóm chuyên gia đã nhận diện 05 vấn đề về thể chế là nguyên nhân của những tồn tại, bất cập thực tiễn trong tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật: (i) Thiếu thống nhất trong nhận thức về nội hàm của thuật ngữ “tổ chức thi hành pháp luật” và quy định pháp luật chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật; (ii) Thiếu quy định về các nguyên tắc chung và nguyên tắc riêng về tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực đặc thù; (iii) Quy định pháp luật chưa đầy đủ, chưa thống nhất, hiệu lực chưa cao về trách nhiệm của các chủ thể tổ chức thi hành pháp luật; về cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các chủ thể trong tổ chức thi hành pháp luật; (iv) Thiếu các quy định về quy trình, thủ tục và các công cụ theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức thi hành pháp luật khả thi, các điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; (v) Vấn đề về hiệu lực pháp lý của chủ thể về tổ chức thi hành pháp luật. Từ đó, đề xuất các nội dung, giải pháp hoàn thiện pháp luật tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện các quy phạm pháp luật về nội dung tổ chức thi hành pháp luật theo hướng quy định đầy đủ, thống nhất các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật kết nối xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống hành chính nhà nước; hoàn thiện quy định về kiểm soát thực hiện quyền lực trong tổ chức thi hành pháp luật…

Tại Hội thảo, một số nhà nghiên cứu, chuyên gia như: GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu khác phát biểu ý kiến, phản biện, chia sẻ, góp ý và trả lời một số câu hỏi liên quan đến hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đặng Thanh Sơn và bà Đào Thị Thu An ghi nhận và cảm ơn ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp cũng như các chuyên gia đã gợi mở những vấn đề then chốt đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời, khẳng định những thông tin này có ý nghĩa vô cùng quan trọng  bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

2 thoughts on “Hội thảo “Tham vấn dự thảo Báo cáo đề xuất hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *