Thực hiện Văn kiện Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và Biên bản Thỏa thuận về việc thực hiện Dự án ký giữa các cơ quan đối tác Việt Nam; đồng thời nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia, sáng ngày 10/10/2023, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao hiệu quả áp dụng, thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và ông Onishi Hiromichi – Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu Khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Quyền Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan liên quan đã nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao tính khả thi của các quy định pháp luật liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm, khơi thông các chuỗi cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Thông qua Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hải hy vọng các đại biểu không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật đăng ký biện pháp bảo đảm theo Nghị định số 99/2022/NĐ-CP mà còn có cơ hội trao đổi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia Nhật Bản về pháp luật dân sự, pháp luật về biện pháp bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm của Nhật Bản; từ đó đề xuất những vấn đề pháp lý về đăng ký biện pháp bảo đảm cần nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tiếp theo.

Ông Onishi Hiromichi – Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA phát biểu tại Hội nghị.

Bày tỏ sự vinh dự được tham dự Hội nghị, ông Onishi Hiromichi – Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA cũng hy vọng, Hội nghị sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến thi hành biện pháp bảo đảm; qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế của Việt Nam.

Các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội nghị.

Trên cơ sở các tham luận dẫn đề, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn về nghiệp vụ để đảm bảo thống nhất trong cách áp dụng pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để triển khai thi hành hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP nói riêng và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *