Sáng ngày 10/10/2023, tại Hà Nội, Hội thảo “Kết nối các đơn vị, doanh nghiệp và lao động là người khuyết tật” được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, trung tâm, doanh nghiệp và người lao động là người khuyết tật.
Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Park Yeonjae – Quản lý dự án Angel’s Haven chia sẻ, VET là dự án thí điểm phục hồi chức năng thông qua dạy nghề cho thanh niên khuyết tật tại Hà Nội nhằm nâng cao năng lực xin việc thông qua việc đào tạo dạy nghề cho thanh niên Việt Nam, cung cấp cơ hội xin việc có chất lượng, giúp thanh niên khuyết tật có thể tự lập, tự chủ về kinh tế. Từ khi dự án được triển khai, dự án đã tổ chức các khóa học đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề, các buổi tư vấn, giáo dục việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật. Trong đó, mục tiêu của dự án là tạo ra ngày càng nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là giúp người khuyết tật lựa chọn được ngành nghề yêu thích và phù hợp đối với dạng tật của mình, từ đó có thể sống một cuộc sống mà mình mong muốn.

Chia sẻ về kế hoạch đào tạo nghề cho người khuyết tật tại trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, TS. Nguyễn Yên Thắng – Giám đốc Trung tâm giải quyết việc làm trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được hỗ trợ và giúp đỡ, đặc biệt là vấn đề việc làm. Trải qua 3 khóa đào tạo với bao khó khăn, thách thức, giờ đây, trường đã dần thích nghi và khắc phục được khó khăn ấy. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, vẫn cần có cơ chế, chính sách trong việc bổ sung giáo viên có khả năng hỗ trợ người khuyết tật; sự quan tâm, phối hợp hơn nữa của tổ chức xã hội với nhà trường trong công tác truyền thông tư tưởng cho phụ huynh học sinh; cần có cơ chế, chính sách khuyến học cho các đối tượng người khuyết tật để các em được khích lệ, động viên khi tham gia chương trình học.

Chia sẻ về việc tuyển dụng người lao động khuyết tật của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Phượng – Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ NYP khẳng định, trình độ, năng lực của người khuyết tật làm việc tại cơ sở mình là không thể phủ nhận, sự nỗ lực trong công việc của người lao động khuyết tật được thể hiện rõ nét tại chất lượng sản phẩm và dịch vụ tới tay khách hàng. Ông cho biết, điều khó khăn nhất trong quá trình làm việc với người khuyết tật là vấn đề giao tiếp và truyền đạt thông tin. Để khắc phục hạn chế đó, ông cùng cộng sự đã linh hoạt thay đổi cách làm việc thông thường bằng cách làm việc bằng hình thức trực tuyến, nhắn tin… Đứng trên góc độ là người tuyển dụng, ông Phượng cũng chia sẻ, để tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm hơn, người khuyết tật cần chủ đông, tự tin, nâng cao tay nghề, trang bị đầy đủ kiến thức, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ về khả năng của người khuyết tật một cách tích cực và cởi mở hơn.

“Mong muốn rằng, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nói riêng và các trung tâm dịch vụ việc làm nói chung sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa, tạo được mạng lưới doanh nghiệp rộng khắp, kết nối được ngày càng nhiều người khuyết tật với doanh nghiệp, từ đó tạo được nhiều cơ hội việc làm, gia tăng tỷ lệ người khuyết tật tham gia lực lượng lao động.” – Ông Phạm Quang Khoát – Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *